Danh Sách Tổng HợpKhông có phản hồi

Top 10 Tác phẩm văn học chống phân biệt chủng tộc hay nhất mọi thời đại

Các cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn

Một tác phẩm khác đến từ văn học Mỹ nhưng không phải trước, mà là sau Nội chiến Hoa Kỳ, đó là Các cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Đây là tác phẩm nổi tiếng của Mark Twain – nhà văn vĩ đại của nước Mỹ. Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, Mark Twain đã cho ra đời nhiều tác phẩm, nhưng Các cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn nổi tiếng nhất, là phần tiếp theo của Các cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer. Trong truyện, Huckleberry Finn là một cậu bé da trắng đang phiêu lưu dọc bờ Mississippi. Đồng hành cùng Finn là Jim – một nô lệ da màu, đang chạy trốn khỏi những tên chủ nô ác độc. Cả 2 đã cùng nhau trải qua hành trình phiêu lưu, vượt qua nhiều khó khăn hoạn nạn, chống lại những kẻ phân biệt chủng tộc độc ác. Hình ảnh Finn và Jim đã trở thành hình ảnh hàn gắn giữa người da trắng và người da màu nổi tiếng nhất trong nền văn học Hoa Kỳ.


Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề quốc tế: Adventures of Huckleberry Finn
  • Tác giả: Mark Twain
  • Quốc gia: Mỹ
  • Năm xuất bản: 1884

Hai hạt cacao

Và cái tên cuối cùng trong Top 10 tác phẩm văn học chống phân biệt chủng tộc vĩ đại nhất là Hai hạt cacao. Đây là 1 tác phẩm của nữ nhà văn Pháp Evelyne Brisou-Pellen. Cuốn sách theo chân cậu bé Jullien – con trai 1 ông chủ công ty sô-cô-la, bỗng nhận ra mình không phải con ruột mà được nhận nuôi từ Haiti. Cậu bé đã một mình trốn lên con tàu đến Haiti tìm kiếm danh tính thật của mình. Nhưng cậu không biết đó là một hành trình ngược dòng về lịch sử nô lệ, một lịch sử nô lệ giữa Châu Âu với Châu Phi, nơi những người Pháp đã đến và đàn áp những người Châu Phi để rồi xảy ra những hậu quả không thể chữa lành sau đó.

Cuốn sách được xuất bản dưới sự bảo trợ của Bộ ngoại giao Pháp, dù xuất bản năm 2001 nhưng lấy bối cảnh từ năm 1814, đưa người đọc về hành trình nô lệ 200 năm trước đó. 


Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề quốc tế: Deux graines de cacao 
  • Tác giả: Évelyne Brisou-Pellen
  • Quốc gia: Pháp
  • Năm xuất bản: 2001

Cuộc sống ở trước mặt

Cuộc sống ở trước mặt là 1 cuốn sách với văn phong độc đáo của nhà văn Romain Gary – người duy nhất từng 2 lần được vinh danh tại giải thưởng Goncourt – giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp. Cuộc sống ở trước mặt xoay quanh cậu bé người Arab tên là Momo và Madame Rosa – một bà lão cô quạnh người Do Thái. Momo vốn bị mẹ bỏ rơi từ bé, được Madame Rosa nhận nuôi và cậu bé mới 10 tuổi này lại đem lòng yêu bà lão gần đất xa trời. Dẫu vậy, điều đáng nói nhất là câu chuyện xoay quanh tình cảm của 2 con người thuộc hai dân tộc có mối thù ngàn năm: Do Thái và Arab. Và cả 2 đều đơn độc, sống ở khu ổ chuột cùng những người thuộc các dân tộc khác ở thủ đô Paris hoa lệ. Một cách bình dị mà sâu sắc, Cuộc sống ở trước mặt đã xóa đi những rào cản giữa các chủng tộc, qua đó đem về cho Romain Gary giải Goncourt danh giá. Bởi vậy, Cuộc sống ở trước mặt xứng đáng nằm trong danh sách Top 10 tác phẩm văn học chống phân biệt chủng tộc hay nhất mọi thời đại. 


Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề quốc tế: The Life Before Us (La vie devant soi)
  • Tác giả: Romain Gary (Emile Ajar)
  • Quốc gia: Pháp
  • Năm xuất bản: 1975

Túp lều bác Tom

Túp lều bác Tom là tác phẩm được viết bởi Harriet Beecher Stowe, ra đời vào thế kỷ 19, khi chế độ chiếm hữu nô lệ vẫn còn tồn tại ở Mỹ. Tiểu thuyết xoay quanh nhân vật bác Tom – một người nô lệ da màu, đã bị chia cách khỏi gia đình, bị bán làm nô lệ, bị đánh đập tàn nhẫn, đối xử như thú vật, và sau cùng, đã bị đánh chết tại một trang trại trồng bông miền Nam nước Mỹ. Túp lều bác Tom là tác phẩm đầu tiên viết về cuộc sống của một người nô lệ theo cách chân thực nhất.

Ngay khi mới ra mắt, Túp lều bác Tom đã gây chấn động nước Mỹ. Cuốn sách bị cấm tại các bang miền Nam nhưng vẫn bán được 300.000 bản trên toàn nước Mỹ ngay trong năm đầu tiên, trở thành cuốn sách bán chạy nhất thế kỷ 19. Sự ra đời của Túp lều bác Tom như 1 mồi lửa làm tăng thêm sự xung đột dẫn đến cuộc Nội chiến Hoa Kỳ – cuộc chiến tranh vĩ đại đã thay đổi nước Mỹ.  Sau này, khi chiến tranh kết thúc, Abraham Lincoln – vị tổng thống Hoa Kỳ nổi tiếng kết thúc chế độ nô lệ, đã đón tiếp nhà văn Harriet Stowe và gọi bà là người đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại.

Có thể nói, Túp lều bác Tom xứng đáng đứng đầu Top 10 tác phẩm văn học chống phân biệt chủng tộc hay nhất mọi thời đại. 


Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề quốc tế: Uncle Tom’s cabin
  • Tác giả: Harriet Beecher Stowe
  • Quốc gia: Mỹ
  • Năm xuất bản: 1852

Giết con chim nhại

Ra đời sau đó gần 100 năm nhưng Giết con chim nhại cũng được nhà văn Harper Lee lấy bối cảnh trước khi cuộc Nội chiến Hoa Kỳ diễn ra. Câu chuyện được kể bởi cô bé Scout sống cùng cha Atticus và anh trai Jem tại hạt Maycomb miền Nam nước Mỹ. Dưới góc nhìn hồn nhiên của một cô bé, Giết con chim nhại khắc họa những vấn đề phân biệt chủng tộc, nô lệ một cách đầy xót xa. Cha Atticus là một luật sư nổi tiếng trong vùng, được nhiều người yêu mến vì sự hào hiệp, tốt bụng; bỗng bị mọi người căm ghét, thù hằn khi đứng ra minh oan cho một người nô lệ da màu bị kết án mà không hề có bằng chứng. Mặc cho tất cả căm ghét, cha Atticus vẫn kiên quyết đem lại ánh sáng công lý về cho người nô lệ da màu tội nghiệp kia, không những vậy, ông còn dạy dỗ con gái rằng đừng bao giờ giết hại một con chim nhại vô tội. Hình ảnh cha Atticus trở thành 1 trong những biểu tượng anh hùng bất diệt trong văn học Mỹ, dẫu cho có nhiều sự xáo trộn sau này trong bản thảo Hãy đi đặt người canh gác của chính Harper Lee.

Giết con chim nhại được chuyển thể thành phim và chiến thắng 3 Oscar, trong dó có giải Kịch bản xuất sắc nhất. Cuốn sách cũng được đánh giá là 1 trong “tứ trụ văn học Mỹ hiện đại”, cùng với Gatsby vĩ đại, Bắt trẻ đồng xanh và Trên đường.


Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề quốc tế: To Kill a Mockingbird
  • Tác giả: Harper Lee
  • Quốc gia: Mỹ
  • Năm xuất bản: 1960

Bản danh sách của Schindler

Rời xa nước Mỹ cùng những người da màu, chúng ta sẽ đến với 1 tác phẩm văn học lấy bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ 2. Bản danh sách của Schindler là một tác phẩm dựa trên sự việc có thật. Lúc bấy giờ, Đức Quốc Xã dưới sự cai trị của Hitler đang gây ra cuộc chiến tranh Thế giới thứ 2, truy lùng và diệt chủng người Do Thái. Schindler là một ông chủ doanh nghiệp sản xuất quân trang và vũ khí cho quân đội Đức nên có vai vế cao trong Đảng Nazi của Đức Quốc xã. Lợi dụng quyền lực ấy, là 1 người bênh vực lẽ phải, Schindler đã cứu giúp vô số người Do Thái khỏi bị thảm sát bằng cách đưa họ đến làm việc tại xưởng của mình. Đa số những người được Schindler đưa đến đều là phụ nữ và trẻ em. Để làm được điều đó, Schindler đã phải lợi dụng các mối quan hệ và hy sinh không ít tài sản của bản thân để đút lót, mua chuộc những tay quan chức để thông qua bản danh sách nhân công ấy. Sau này, những người Do Thái được Schindler cứu sống, khi được tự do trở về Israel đã xây đài tưởng niệm Schindler. Những người này được gọi là Schindlerjuden – “những đứa trẻ của Schindler”.

Xuất bản năm 1983, Bản danh sách của Schindler chưa nhận được nhiều sự chú ý dù thắng giải Booker Prize. Tuy nhiên, sau đó cuốn sách được chuyển thể thành phim do Stephen Spielberg đạo diễn. Bộ phim thực sự gây tiếng vang khi chiến thắng Phim hay nhất ở cả Quả Cầu Vàng, BAFTA và Oscar. Riêng tại Oscar, bộ phim đã chiến thắng 7 giải, trong đó có giải Kịch bản, Quay phim, Đạo diễn và Phim hay nhất năm.

Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề quốc tế: Schindler’s List (Schindler’s Ark)
  • Tác giả: Thomas Keneally
  • Quốc gia: Australia
  • Năm xuất bản: 1982

Cậu bé trong bộ pyjamas sọc

Một bộ phim khác cũng lấy bối cảnh Chiến tranh Thế giới 2 và về người Do Thái ở Ba Lan là Cậu bé trong bộ Pyjamas sọc. Tuy nhiên khác với Nghệ sĩ dương cầm, Cậu bé trong bộ pyjamas sọc lại kể câu chuyện dưới góc nhìn của một cậu bé. Nhân vật chính của truyện là Bruno – cậu bé con trai của một viên chỉ huy Đức, cùng gia đình chuyển đến sống ở gần trại tập trung. Bruno không hề biết gì về những việc cha làm cũng như việc phân biệt chủng tộc. Một lần, Bruno đi chơi đến gần trại tập trung, cậu đã kết bạn với Shmeul – một cậu bé người Do Thái. Bruno gọi Shmeul là “cậu bé trong bộ Pyjamas sọc” do bộ áo tù của Shmeul giống với áo ngủ pyjamas. Cả 2 đã chơi đùa với nhau 1 cách hồn nhiên, không định kiến, cho tới khi những chuyện kinh hoàng bắt đầu xảy ra. Thông qua đôi mắt của đứa trẻ, Cậu bé trong bộ pyjamas sọc khiến bất cứ người lớn nào cũng phải nghẹn ngào.

Ngay từ khi ra mắt, Cậu bé trong bộ pyjamas sọc đã được đón nhận nhiệt tình. Cuốn sách liên tục đứng đầu New York Time Bestseller; trở thành cuốn sách bán chạy nhất năm 2007, 2008 tại Anh, Úc và Tây Ban Nha. Đến năm 2010, Cậu bé trong bộ pyjamas sọc đã bán được 5 triệu bản trên toàn cầu. Cuốn sách cũng được chuyển thể thành phim năm 2008. 


Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề quốc tế: The Boy in the Striped Pyjamas
  • Tác giả: John Boyne
  • Quốc gia: Ireland
  • Năm xuất bản: 2006

Chó trắng

Một tác phẩm khác của Romain Gary – nhà văn từng 2 lần đoạt giải Goncourt, đó là Chó trắngChó trắng là tác phẩm văn học nửa hồi ký, nửa hư cấu của Romain Gary, được ông viết khi còn làm ở đại sứ quán Pháp tại Mỹ. Vào lúc bấy giờ, các phong trào đấu tranh bình quyền của người da màu đang nổi lên ở Mỹ. Phong trào của Martin Luther King, phong trào Malcolm X, phong trào “báo đen”… kết hợp với những cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam đã khiến nước Mỹ hỗn loạn. Ra đời trong bối cảnh đó, Chó trắng kể về một con chó được huấn luyện đặc biệt để tấn công người da màu. Romain Gary nhận nuôi Chó trắng và khi ông biết điều đó, ông đã muốn thuần hóa con chó, dù cho có vẻ như đã quá muộn. Mượn câu chuyện về chú chó nhưng toàn bộ cuốn sách đều xoay quanh các phong trào đấu tranh của người da màu ở Mỹ. Romain Gary cho thấy 1 sự hỗn loạn của xã hội lúc bấy giờ: sự phân biệt chủng tộc giữa người da trắng với da đen, sự phân biệt chủng tộc giữa người da đen với da trắng, những phong trào đấu tranh trở thành bạo động… Cuốn sách không được đánh giá cao như Cuộc sống ở trước mắt nhưng lại là 1 đại diện tiêu biểu cho những tác phẩm văn học viết về người da màu vào thập niên 70.


Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề quốc tế: White Dog (Chien Blanc)
  • Tác giả: Romain Gary
  • Quốc gia: Pháp
  • Năm xuất bản: 1970

Nghệ sĩ dương cầm

Một tác phẩm khác viết về thời Chiến tranh thế giới thứ 2 trong Top 10 tác phẩm văn học chống phân biệt chủng tộc vĩ đại nhất mọi thời đại là Nghệ sĩ dương cầm. Cũng như Bản danh sách của Schindler, 12 năm nô lệ, Nghệ sĩ dương cầm cũng được chuyển thể thành phim và chiến thắng những giải Oscar danh giá. Tác phẩm là hồi ký của Szpilman – một nghệ sĩ piano người Ba Lan gốc Do Thái. Khi cuộc chiến xảy ra, Szpilman cùng gia đình đã bị bắt vào trại tập trung, tại đây, gia đình cùng bạn bè ông đều bị thảm sát. Szpilman may mắn chạy trốn được và ông phải trốn chui trốn lủi trong đống đổ nát ở Ba Lan suốt nhiều ngày trời, cho tới khi Hồng quân Liên Xô giải phóng. Cuốn sách không quá nổi tiếng khi mới ra mắt nhưng sau khi bộ phim thành công, đã được đông đảo bạn đọc trên toàn Thế giới đón nhận.


Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề quốc tế: The Pianist (Smierce Miasta)
  • Tác giả: Władysław Szpilman
  • Quốc gia: Ba Lan
  • Năm xuất bản: 1946

12 năm nô lệ

Cách đây 6 năm, bộ phim 12 năm nô lệ bất ngờ chiến thắng giải Phim hay nhất năm tại Oscar. Bộ phim được chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên của Solomon Northup, kể về một người Mỹ gốc Phi tự do sống tại New York bất ngờ bị bắt cóc và bán thành nô lệ. Solomon bị đưa đến miền Nam nước Mỹ, nơi đối lập với New York: những đồn điền với những gã chủ nô ác độc. Trải qua suốt 12 năm đầy sóng gió và đau khổ, cuối cùng Solomon cũng được cứu và minh oan, nhưng những nỗi đau tinh thần ông phải chịu trong suốt 12 năm là không bao giờ có thể quên nổi.

Sau khi bộ phim chiến thắng Oscar và nhận được nhiều chú ý, cuốn sách 12 năm nô lệ vốn viết vào năm 1853, cũng trở nên nổi tiếng theo. Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc bấy giờ là Barack Obama – tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, cho biết ông đã rất xúc động khi đọc cuốn sách này.

Thông tin chi tiết:

  • Tựa đề quốc tế: 12 Years a Slave
  • Tác giả: Solomon Northup
  • Quốc gia: Mỹ
  • Năm xuất bản: 1853

Be the first to post a comment.

Add a comment