Danh Sách Tổng HợpKhông có phản hồi

Top 8 Biện pháp giúp học sinh học tốt môn chính tả mà giáo viên tiểu học nên biết

Phân biệt bằng nghĩa từ

Một biện pháp khác để khắc phục lỗi chính tả cho học sinh là giúp học sinh hiểu nghĩa chính xác của từ. Việc nắm nghĩa từ rất quan trọng. Hiểu nghĩa của từ là một trong những cơ sở giúp học sinh viết đúng chính tả. Đó là đặc trưng quan trọng về phương diện ngôn ngữ của chính tả Tiếng Việt, nó sẽ giúp học sinh giải quyết được những lỗi chính tả do ảnh hưởng cách phát âm theo phương ngữ. Vì vậy có thể nói rằng chính tả Tiếng Việt còn gọi là chính tả ngữ nghĩa.

Việc giải nghĩa từ thường được thực hiện trong tiết Tập đọc, Luyện từ và câu…nhưng trong tiết Chính tả cũng là một biện pháp tích cực, khi học sinh không thể phân biệt từ khó dựa vào phát âm hoặc phân tích cấu tạo tiếng.

Có nhiều cách để giải nghĩa từ: Có thể cho học sinh đọc chú giải, đặt câu (nếu học sinh đặt câu đúng tức là học sinh đã hiểu nghĩa từ), tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, miêu tả đặc điểm hoặc sử dụng vật thật, mô hình, tranh ảnh,…

Ví dụ: Phân biệt bàn và bàng (trong từ đơn): 

  • Bàn= cái bàn
  • bàng =cây bàng 

hoặc phân biệt 

Bác và bát : 

  • bác= anh của ba, Bác Hồ
  • bát = đồ dùng ăn cơm (bát đũa)

Với những từ nhiều tiếng, từ nhiều nghĩa giáo viên phải đặt từ đó trong văn cảnh cụ thể để gợi lại nghĩa từ hoặc giúp học sinh giải nghĩa từ.

Hướng dẫn học sinh phát hiện lỗi và sửa lỗi

Song song với việc ôn tập giúp học sinh nắm vững các qui tắc và mẹo chính tả, việc hướng dẫn học sinh phát hiện lỗi và sửa lỗi trong bài viết cũng rất quan trọng. Đây là một thói quen mà giáo viên cần phải rèn cho học sinh , không chỉ ở chính tả mà ở tất cả các môn học khác.

Đối với bài chính tả Đoạn bài, sau khi học sinh viết xong, giáo viên tổ chức cho học sinh đổi vở và soát lỗi lẫn nhau. Giáo viên nên qui định lỗi cụ thể, yêu cầu các em soát lỗi bài viết của bạn, dùng bút chì gạch dưới chữ viết sai, tổng hợp số lỗi rồi trả về cho bạn tự sửa (ghi từ chứa tiếng sai rồi sửa lại đúng chính tả).

Đối với những em viết sai nhiều hãy phân công 1 học sinh giỏi đổi vở và soát lỗi với học sinh đó. Sau khi các em soát lỗi xong thì mới thu vở để chấm điểm. Trong giờ chính tả, chỉ chấm nhanh khoảng 1/3 lớp. Nhưng giờ ra chơi cố gắng chấm hết, chấm thật kĩ và ghi nhận xét cụ thể, khen những em có tiến bộ. Khi trả vở cho học sinh hãy khen ngợi những em đã soát lỗi bài viết của bạn chính xác, tuyên dương những em có tiến bộ, nhắc nhở những em còn viết sai nhiều về nhà sửa lỗi trong vở và trong bảng tổng hợp.

Đối với các bài tập, giáo viên nên tổ chức cho các em làm bài trong nhóm nhỏ bằng nhiều hình thức thi đua như: Ai nhanh ai đúng, Tìm nhanh viết đúng, … Các nhóm ghi bài làm của nhóm mình vào bảng nhóm hoặc phiếu bài tập để cả lớp nhận xét, bầu chọn nhóm thắng cuộc.

Đối với những tiết học khác giáo viên cũng nên nhắc nhở học sinh viết đúng chính tả . Khi chấm đoạn văn hoặc bài tập làm văn hoặc các bài kiểm tra của học sinh, chấm kĩ càng, tỉ mỉ, chỉ rõ các lỗi chính tả và hướng dẫn học sinh sửa lỗi khi trả bài.

Ghi nhớ một số mẹo luật chính tả

Một số hiện tượng chính tả mang tính quy luật đối với hàng loạt từ có thể giúp cho học sinh khắc phục lỗi chính tả một cách rất hữu hiệu. Ngay từ lớp 1, các em đã được làm quen với luật chính tả đơn giản như: các âm đầu k, gh, ngh chỉ kết hợp với các nguyên âm i, e, ê, iê, ie.

Luật bổng – trầm: Qui luật về dấu hỏi, ngã trong các từ láy (mát mẻ, vui vẽ,sạch sẽ ) Trong các từ láy điệp âm đầu, thanh (hay dấu) của 2 yếu tố ở cùng một hệ bổng (ngang/sắc/hỏi) hoặc trầm (huyền/ngã/nặng). Để nhớ được 2 nhóm này, giáo viên chỉ cần dạy cho học sinh thuộc nguyên tắc : Ngang- sắc = hỏi/ Huyền- nặng =ngã 

Nghĩa là đa số các từ láy âm đầu, nếu yếu tố đứng trước mang thanh huyền,nặng, ngã thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh ngã, nếu yếu tố đứng trước mang thanh ngang, sắc, hỏi thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh hỏi (hoặc ngược lại).

Ví dụ:

  • Ngang + hỏi: Nhỏ nhoi, trẻ trung, vui vẻ…
  • Sắc + hỏi: Mát mẻ, sắc sảo, vắng vẻ…
  • Hỏi + hỏi: Thỏ thẻ, hổn hển, rủ rỉ…
  • Huyền + ngã: Mỡ màng, lững lờ, vồn vã
  • Nặng + ngã: Đẹp đẽ, mạnh mẽ, vật vã…
  • Ngã + ngã: Dễ dãi, nghễnh ngãng, nhõng nhẽo…

Ngoài ra, giáo viên có thể cung cấp thêm cho học sinh một số mẹo luật khác như:

  • Để phân biệt âm đầu tr/ch: Đa số các từ chỉ đồ vật trong nhà và tên con vật đều bắt đầu bằng ch, ví dụ: chăn, chiếu, chảo, chổi, chai, chày, chén, chum, chạn,chõ, chĩnh, chuông, chiêng, choé,… chồn, chí, chuột, chó, chuồn chuồn, châu chấu,chào mào, chiền chiện, chẫu chàng, chèo bẻo, chìa vôi…
  • Để phân biệt âm đầu s/x: Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt đầu bằng s: Sả, si, sồi, sứ, sung, sắn, sim, sao, su su, sầu đâu, sa nhân, sơn trà, sặt, sậy,sấu, sến, săng lẻ, sầu riêng, so đũa… sam, sán, sáo, sâu, sên, sếu, sò, sóc, sói, sứa,sáo sậu, săn sắt, sư tử, sơn dương, san hô…
  • Để phân biệt các vần dễ lẫn lộn: Đa số từ chỉ trạng thái bấp bênh, không vững chắc có vần ênh: Gập ghềnh,khấp khểnh, chông chênh, lênh đênh, bập bềnh, chếnh choáng, chệnh choạng, lênh khênh, bấp bênh, công kênh…Hầu hết các từ tận cùng là ng hoặc nh là từ tượng thanh: oang oang, đùng đoàng, loảng xoảng, đoàng đoàng, sang sảng, rổn rảng, ùng oàng, quang quác, pằng pằng, eng éc, beng beng, chập cheng, leng keng, lẻng kẻng, đùng đùng, thùngthùng, bình bịch, thình thịch, rập rình, xập xình, huỳnh huỵch…Vần uyu chỉ xuất hiện trong các từ tượng hình: khuỷu tay, khúc khuỷu, ngãkhuỵu, khuỵu chân; vần oeo chỉ xuất hiện trong các từ ngoằn ngoèo, khoèo chân

Tích cực luyện phát âm đúng

Muốn học sinh viết đúng chính tả, giáo viên phải là người phát âm rõ tiếng, đúng chuẩn, đồng thời chú ý luyện phát âm cho học sinh để phân biệt các thanh, các âm đầu, âm cuối. Việc rèn phát âm bắt đầu phải được thực hiện trong tiết Tập đọc và được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài trong tất cả các tiết học như Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn…

Đối với những học sinh còn yếu về mặt phát âm, giáo viên nên nhắc nhở các em chú ý nghe đọc để viết cho đúng. Cũng đồng nghĩa, giáo viên phải cố gắng phát âm rõ ràng, tốc độ vừa phải mới có thể giúp học sinh viết đúng được.

Tuyên dương, khen thưởng những học sinh có tiến bộ trong học tập

Học sinh Tiểu học rất thích được khen thưởng, tuyên dương. Các em rất thích được chấm điểm, rất thích được cô phê những lời khen vào vở để về nhà khoe với cha mẹ. Có thể, có em chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học chính tả  nhưng các em rất thích được thầy cô, cha mẹ khen. Nhờ những lời khen đó mà các em vui sướng, thích đến trường; tích cực, cố gắng, tự giác hơn trong học tập. Dựa vào đặc điểm tâm lí của các em mà giáo viên nên động viên, khuyến khích các em; đồng thời luôn theo dõi sát quá trình học tập của học sinh , dù chỉ một tiến bộ nhỏ của các em về thái độ học tập cũng như kết quả học tập khen ngợi kịp thời.

  • Đối với những học sinh khá, giỏi, bài viết sạch đẹp, ít sai chính tả, giáo viên ghi nhận xét vào vở, và biểu dương các em trước lớp.
  • Đối với những học sinh viết sai chính tả nhiều, giáo viên dành thời gian hướng dẫn các em sữa lỗi ngay tại lớp. Cứ nửa học kì chọn ra 5 em có tiến bộ nhất để khen thưởng. Phần thưởng chỉ là hai cuốn vở có chữ kí của tôi và được tôi bao bìa, dán nhãn cẩn thận hoặc một cây viết( loại có thể thay ngòi), hoặc một chiếc nón kết,…

Phân biệt chính tả bằng phân tích, so sánh

Song song với việc phát âm, giáo viên có thể áp dụng biện pháp phân tích cấu tạo tiếng, so sánh với những tiếng dễ lẫn lộn, phát hiện những điểm khác nhau để học sinh lưu ý và ghi nhớ.

Ví dụ: Khi viết tiếng “làng” học sinh dễ lẫn lộn với tiếng “làn”, giáo viên yêu cầu học sinh phân tích cấu tạo hai tiếng này:

  • làng = l + ang + thanh huyền
  • làn = l + an + thanh huyền.

So sánh để thấy sự khác nhau: Tiếng “làng” có âm cuối là “ng”, tiếng “làn” cóâm cuối là “n”. Học sinh ghi nhớ điều này, khi viết, các em sẽ không viết sai.

Vận dụng củng cố bằng các bài tập chính tả

Khi tổ chức các hoạt động thực hành luyện tập, giáo viên có thể lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với từng đối tượng học sinh và phù hợp với từng nội dung bài tập nhằm tạo hứng thú, phát huy tính tích cực của học sinh trong giờ học.

Trong quá trình học sinh làm bài tập, giáo viên tổ chức các em thảo luận nhóm làm bài dưới sự hướng dẫn của mình để giúp học sinh tự tìm ra kiến thức bài tập. Đối với các dạng bài tập khó, thì tổ chức cho học sinh luyện tập dưới hình thức trò chơi hoặc thảo luận nhóm, hiệu quả việc sửa chữa lỗi sẽ tốt hơn.

Giáo viên có thể đưa thêm các dạng bài tập chính tả khác nhau để giúp học sinh tập vận dụng các kiến thức đã học, làm quen với việc sử dụng từ trong văn cảnh cụ thể. Sau mỗi bài tập thì rút ra các quy tắc chính tả để các em ghi nhớ.

Ngoài ra, việc kiểm tra “viết đúng chính tả” của giáo viên đối với học sinh không chỉ ở môn Chính tả mà cũng cần lưu ý nhắc nhở học sinh trong tất cả các môn học khác trong chương trình, đặc biệt là môn Tập làm văn. Việc này phải được tiến hành kiên trì và liên tục để giúp học sinh dần có ý thức rèn kỹ năng “viết đúng” trong mọi tình huống.

Điều tra, phát hiện và tổng hợp những lỗi chính tả cơ bản của học sinh

Lỗi mà đa số học sinh lớp tôi mắc phải chủ yếu là lỗi do ảnh hưởng của cách phát âm theo phương ngữ. Cụ thể:

  • Lẫn lộn các phụ âm đầu( v/d/gi;  r/g;  x/s;  tr/ch).
  • Lẫn lộn 2 âm chính ( o/ô;  ă/â ).
  • Lẫn lộn các vần ( iu/iêu;  in/ inh;  ui/ uôi;  un/uôn;  êu/iêu;  in/iên ).
  • Lẫn lộn các âm cuối ( n/ng;  t/c;  i/y;  o/u).
  • Lẫn lộn thanh hỏi, thanh ngã.

Ngoài các lỗi phổ biến trên, một số học sinh lớp tôi còn mắc một số lỗi riêng biệt( lỗi  chính tả do không nắm vững chính tự và cấu trúc âm tiết Tiếng Việt).

Sau khi trả bài chính tả, giáo viên hướng dẫn các em cách ghi các lỗi và sửa lại cho đúng (ghi từ chứa tiếng sai để hiểu nghĩa rồi viết lại đúng chính tả), sửa trong vở chính tả, sau đó ghi vào bảng tổng hợp. Trong vài tuần đầu, những em viết sai nhiều, giáo viên hãy nhắc nhở và khuyến khích các em về nhà chép lại bài cho đẹp và đúng chính tả. Hết nửa kì, giáo viên thu bảng tổng hợp và vở chính tả của học sinh để kiểm tra- đánh giá, chọn ra 5 học sinh tiến bộ nhất để khen thưởng.

Be the first to post a comment.

Add a comment