Top Nổi Bật
- 1 Cô gái đến từ hôm qua (134.256 bản)
- 2 Ngồi khóc trên cây (101.012 bản)
- 3 Ngày xưa có một chuyện tình (100.123 bản)
- 4 Tôi là Bêtô (148.915 bản)
- 5 Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (249.123 bản)
- 6 Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (351.157 bản)
- 7 Chúc một ngày tốt lành (103.027 bản)
- 8 Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (118.020 bản)
Cô gái đến từ hôm qua (134.256 bản)
Nguyễn Nhật Ánh viết truyện dài Cô gái đến từ hôm qua vào năm 1988 (sách phát hành năm 1989). Đây là tác phẩm thứ hai của nhà văn viết về tuổi mới lớn, sau truyện dài Còn chút gì để nhớ. Tròn 30 năm từ khi ra đời, cuốn sách lưu giữ mãi mãi một thời học trò hồn nhiên mà ngày nay đã ít nhiều phai nhạt.
Tác phẩm kể về mối tình học trò của chàng nam sinh cá biệt Anh Thư và cô bạn cùng lớp Việt An. Khi cô bạn xinh xắn từ thành phố chuyển về ngôi trường cấp ba ở miền quê, chàng Thư “Thơ Thẩn” nổi tiếng lãng mạn đã trúng tiếng sét ái tình. Tình yêu chớm nở như nắng ban mai. Thư ra sức theo đuổi cô bạn mới, nhưng trong lòng vẫn vương vấn kỷ niệm về tình bạn thời thơ ấu với cô bạn nhỏ Tiểu Li. Cô gái đến từ hôm qua ra đời một năm sau Còn chút gì để nhớ. Khi đó, Nguyễn Nhật Ánh vừa bước sang tuổi 30. “Tức là chưa xa tuổi đôi mươi nhiều lắm” – ông tự nhận. Nhà văn không có ngoại hình trẻ hơn tuổi như… Miu Lê (cô diễn viên 26 tuổi mà vẫn vào vai nữ sinh cấp 3 khá ngọt), nhưng khi nói chuyện với ông, người ta lập tức nhận ra sự trong trẻo đến từ đâu. Tất cả toát ra từ âm sắc của giọng nói, phong thái, lối suy nghĩ và thái độ sống của một nhà văn “với ai cũng chơi được”.
Nhiều người đọc yêu thương trang văn của ông đến mức trở nên khó tính với phim chuyển thể cùng tên, cho rằng Ngô Kiến Huy hay Miu Lê không đúng với hình dung của họ về nhân vật. Cũng có người vì yêu văn nên mở lòng với phim hơn, để các nhân vật và âm nhạc tuyệt vời trong phim đẩy đến những chân trời tưởng tượng xa xăm.
Ngồi khóc trên cây (101.012 bản)
Ngồi khóc trên cây là một tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào ngày 27 tháng 6 năm 2013 bởi Nhà xuất bản Trẻ, với phần tranh minh họa do Đỗ Hoàng Tường thực hiện. Đây là một trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, ra đời sau Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ và trước Chúc một ngày tốt lành. Tác phẩm xoay quanh mối tình hồn nhiên, trong trẻo giữa chàng sinh viên trẻ Đông và một cô bé 14 tuổi được mọi người gọi bằng cái tên “Rùa”. Câu chuyện khai thác sâu vào những suy tư, trăn trở nội tâm của tuổi mới lớn trên một nền điệu gợi về tuổi thơ sống chan hòa giữa thiên nhiên rừng núi, phảng phất phong vị miền quê và tình làng xóm. Bối cảnh của tác phẩm diễn ra chủ yếu ở một ngôi làng tại Quảng Nam, quê hương của chính tác giả.
Không giống với nhiều tác phẩm trước đó của Nguyễn Nhật Ánh, Ngồi khóc trên cây được nhà văn đưa vào nhiều nghịch cảnh éo le, bi thương nhằm thử thách các nhân vật và giúp họ trưởng thành hơn về mặt tình cảm theo thời gian. Tác phẩm đã nằm trong tốp những quyển sách Việt Nam được nhiều người đặt mua nhất năm 2013 theo thống kê của nhiều hệ thống phân phối sách trực tuyến, đồng thời được Nhà xuất bản Trẻ đưa vào Tủ sách bán chạy nhất của họ. Ngồi khóc trên cây cũng được đánh giá như một “hiện tượng xuất bản” của Việt Nam, với lượng sách in lần đầu lên đến hơn 20.000 bản, và đã phải tái bản khi còn chưa chính thức phát hành. Truyện đang được chuyển thể thành một phim điện ảnh bởi Velo Entertainment và dự kiến công chiếu trong năm 2019.
Câu chuyện mở ra tại Đo Đo, một ngôi làng nhỏ ở xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đông là một sinh viên 18 tuổi từ Sài Gòn trở về thăm làng quê nhân kỳ nghỉ hè. Đông rời làng theo gia đình vào Nam khi mới lên 8, nhưng đã có một tuổi thơ vô tư, êm đềm với các trò chơi chong chóng, thả diều, tết cọng dừa, nhặt nắp keng… trên vùng đất sinh ra mình, và nay anh đang tìm lại những ký ức đẹp đẽ năm nào. Em họ của Đông là Thục rủ anh đến chợ Kế Xuyên chơi, và tại đây anh tình cờ gặp Rùa, một cô bé có hoàn cảnh đặc biệt. Ba mất sớm, mẹ bỏ đi, lại mang bệnh nặng trong mình suốt bốn năm, Rùa đã 14 tuổi nhưng chỉ mới học lớp 5 tiểu học. Cái tên “Rùa” vốn do lũ trẻ trong làng đặt nhằm trêu chọc việc cô không biết đi xe đạp, và nó cũng trở thành biệt danh mọi người quen gọi cô bé. Đông chỉ thực sự chú ý đến Rùa khi cô bé nấp ngoài cửa nhìn anh đọc sách vào ngày hôm sau, và từ đó nảy nở một tình bạn đẹp giữa hai người.
Ngày xưa có một chuyện tình (100.123 bản)
” Ngày xưa có một chuyện tình” vẫn là thứ văn chương giản dị, gần gũi với những câu văn nhẹ nhàng, ngắn gọn, vẫn là cái vòng tròn mà tác giả tự vẽ và chỉ đi trong đó, đi trong thế giới của mình. Với sức hút trong giọng văn của Nguyễn Nhật Ánh, ông vẫn tiếp tục giữ được phong độ sau hơn 3 thập niên sáng tác, chinh phục hàng triệu độc giả, dù chỉ với những câu chuyện về tuổi học trò quen thuộc. Có lẽ sau khi đã biết được rất nhiều thứ phức tạp, xô bồ chốn đô thị hay lòng dạ thăm thẳm, đen tối của con người, đọc văn của Nguyễn Nhật Ánh ta như được sống lại những năm tháng hồn nhiên, trong sáng tuổi học trò. Có lẽ đến một độ tuổi nào đó, người ta thích có xu hướng tìm về những thứ giản dị, những thứ đẹp đẽ của khu vườn tuổi thơ, của những suy nghĩ trong lành chưa bị vẫn đục bởi những toan tính, của những cái tốt, sự cao thượng mà không cần hàm ơn.
Trái ngược với những truyện dài trước đó của Nguyễn Nhật Ánh, Ngày xưa có một chuyện tình bắt đầu những dòng hồi tưởng hiện ra trong đầu Phúc vào buổi chiều anh vô tình bắt gặp một cậu nhóc trong khu vườn ổi. Một chuyện tình tay ba tuổi học đường mà kết quả là sự ra đời của cậu bé con tên Su đã lần lượt được Phúc, Vinh và Miền nhớ lại trong khắc khoải. Độc giả không còn phải chờ đợi một kết cuộc bất ngờ hay hụt hẫng vì chúng đã được thông báo trước ngay từ nhan đề: một chuyện tình yêu từng diễn ra nhưng không thành và bây giờ các nhân vật đang đối diện với quá khứ ấy. Với một nhà văn đã qua tuổi lục thập như Nguyễn Nhật Ánh, viết văn bằng giọng điệu người lớn cho những độc giả nhiều tuổi (vì ông từng tiết lộ đây là câu chuyện 16+) hẳn là điều dễ dàng gấp ngàn lần so với khi phải hóa thân thành trẻ nhỏ, soi chiếu mọi thứ dưới góc nhìn của những cô cậu nhóc 14, 15 tuổi. Nhưng có lẽ vậy mà câu chuyện dường như bị giản hóa đi. Từ điểm nhìn hiện đại hồi tưởng về quá khứ, ba nhân vật chính có xiết bao lý do để chọn ra những kỷ niệm đáng nhớ như màn bảo vệ bạn của Phúc, chuyện tình hụt của Vinh, nụ hôn đầu đời hay lần trao thân định mệnh vv. Song cũng vì vậy mà chúng được kể bằng một thứ văn chương logic, làm chủ cảm xúc đến mức khô cứng, những lời bao biện thừa thãi cho tuổi trẻ vốn được coi là khoảng thời gian sống chân thật nhất của con người. Trong đó, những trang văn buồn tẻ nhất có lẽ là tâm sự của Phúc và Miền khi chúng thiếu hẳn những rung động của tình yêu, sự ngây ngô khi họ là hai nạn nhân bất đắc dĩ của thần Cupid cho đến cảm xúc day dứt khi phải chia tay trong im lặng và tủi hổ. Tình yêu đến muộn giữa Vinh và Miền cũng được xây dựng quá sơ sài nếu không muốn nói nhà văn dường như buộc phải vội vàng khi thấy chuyện tình ngày xưa đã đi đến hồi kết mà vẫn còn bao thứ phải kể.
Tôi là Bêtô (148.915 bản)
Nhẹ nhàng và thâm thúy, cuốn hút từ đầu tới cuối, cuốn truyện làm bật cười con trẻ và làm trầm tư người lớn. Những trải nghiệm buồn vui, những mất mát cay đắng, những ảo mộng tan vỡ, những thức ngộ xót xa cứ bảng lảng, cứ ẩn hiện phía sau những câu chữ bình dị, trong một giọng kể hồn nhiên, ngây thơ. Có thể nói đây là cuốn sách người lớn nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bất cứ lúc nào đem ra đọc cũng được. Đọc một mình, cười khóc một mình và rồi ai đọc xong cũng có thể nói: Tôi là Bêtô.
“Tôi là Bêtô” là xâu chuỗi những câu chuyện được kể dưới con mắt quan sát và suy nghĩ của “một chú cún tên Bêtô”. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của Bêtô, với chị Ni – chủ của chú, với Binô, Laica, lão Hiếng – những đồng loại và cũng là những người bạn của chú. “Tôi là Bêtô” thông qua những mẩu đối thoại, những tình huống và cách cư xử đời thường, giản dị để gửi gắm những thông điệp hữu ích không chỉ với trẻ em: thông điệp về tình bạn, về mối quan hệ với những người thân trong gia đình.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (249.123 bản)
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào ngày 9 tháng 12 năm 2010 bởi Nhà xuất bản Trẻ, với phần tranh minh họa do Đỗ Hoàng Tường thực hiện. Đây là một trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, ra đời sau Đảo mộng mơ và trước Lá nằm trong lá. Tác phẩm như một tập nhật ký xoay quanh cuộc sống của những đứa trẻ ở một vùng quê Việt Nam nghèo khó, nổi bật lên là thông điệp về tình anh em, tình làng nghĩa xóm và những tâm tư của tuổi mới lớn. Theo Nguyễn Nhật Ánh, đây là lần đầu tiên ông đưa vào truyện của mình những nhân vật phản diện, đặt ra vấn đề đạo đức như sự vô tâm hay cái ác.
Là một trong những quyển sách Việt Nam bán chạy nhất năm 2010, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được tái bản ngay trong ngày phát hành đầu tiên, với tổng số bản in lên đến hơn 20.000 bản. Đây cũng là cuốn sách mở đầu cho phương thức in nhiều dạng ấn bản trên một tác phẩm ở Việt Nam, với ấn bản bìa mềm và bìa cứng được bán ra song song. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được chuyển thể thành một bộ phim điện ảnh cùng tên bởi đạo diễn Victor Vũ, công chiếu vào tháng 10 năm 2015 với doanh thu phòng vé rất cao và gây được nhiều sự chú ý trong công chúng. Như một ảnh hưởng từ sức ảnh hưởng tích cực của bộ phim, tiểu thuyết đã trở thành quyển sách bán chạy nhất trong Hội sách Hà Nội
năm 2015. Tính đến tháng 10 năm 2018, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã trải qua 28 lần tái phát hành với tổng số bản in lên đến hơn 249.000 bản.
Câu chuyện là những trang nhật ký về cuộc sống thường ngày và tâm tư của cậu bé Thiều. Thiều đang là học sinh lớp 7 sống ở một vùng quê nghèo, cùng với người em trai tên Tường. Tường là một cậu bé dễ thương, hiền lành, bao dung, rất yêu mến anh trai và thích chơi đùa với nhiều loài động vật gồm cả sâu bọ, rắn rết. Cậu bé sống nội tâm, ham đọc sách và rất say mê những câu chuyện cổ tích, đặc biệt là truyện Cóc tía, chính vì vậy mà cậu nuôi nấng một con cóc dưới gầm giường và đặt tên cho nó là “Cu Cậu”. Trong khi đó Thiều vốn là một người hướng ngoại, khá tinh quái, đã nhiều lần vô tình để em mình chịu tai bay vạ gió sau những trò nghịch phá do chính mình bày ra. Thiều cũng rất nhiều lần tỏ ra hẹp hòi, nhưng trong thâm tâm cậu vẫn rất thương em mình và là một người hào hiệp. Hai anh em Thiều và Tường thả hồn vào những trò chơi cảm giác mạnh và nhiều kỷ niệm đáng nhớ thời thơ ấu của những đứa trẻ làng quê. Truyện cũng mở rộng ra mối quan hệ giữa hai anh em và những người dân trong ngôi làng, gồm cả người thân của mình và những bạn học cùng lớp. Ba của Thiều được miêu tả là một người giảo hoạt và được dân làng yêu mến nhưng hay nổi nóng và thường xuyên đánh đòn hai anh em vì nhiều lý do, trong khi mẹ cậu tỏ ra dịu dàng với các con hơn dù bà cũng không tránh khỏi việc trách mắng khi các con làm điều sai quấy.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (351.157 bản)
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm là một trong những sáng tác thành công nhất của ông và nhận được Giải thưởng Văn học ASEAN của năm 2010. Nguyễn Nhật Ánh viết ở mặt sau cuốn sách: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai đã từng là trẻ em”. Trả lời phỏng vấn của báo Người lao động, ông nói “đối tượng cảm thụ mà tôi muốn nhắm tới là người lớn”, với Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ ông “cho phép mình mở rộng biên độ đề tài và hình ảnh đến tối đa vì tôi viết về trẻ em nhưng là cho những ai từng là trẻ em đọc”.
Tác phẩm gồm những câu chuyện nhỏ xoay xung quanh 4 đứa trẻ trong cùng một khu xóm là con Tủn, con Tí sún, thằng Hải cò và thằng cu Mùi. Trong đó, người kể chuyện là cu Mùi dưới hình thức kể của “thằng cu Mùi” lúc bé và nhận xét, đánh giá của “ông Mùi” khi đã gần 50 tuổi. Song song đó còn có sự xuất hiện của các phụ huynh và những câu chuyện dở khóc dở cười khiến chúng như đang sống lại tuổi thơ tươi đẹp.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là cuốn sách được phát hành nhiều nhất năm 2008, đến nay sách đã được tái bản lần thứ 59. Cuốn sách này bán chạy hơn 300000 quyển. Tác phẩm giành giải Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam và Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009. Năm 2010, Nguyễn Nhật Ánh được đề cử và nhận được Giải thưởng Văn học Đông Nam Á với tác phẩm này. Tác phẩm được dịch sang tiếng Thái và phát hành bởi nhà xuất bản Nanmeebooks Thái Lan vào ngày 23 tháng 8 năm 2011. Năm 2013, sách được nhà xuất bản Dasanbooks phát hành tại Hàn Quốc. Tại Mỹ, truyện được Nhà xuất bản Overlook ấn hành và ra mắt từ ngày 9 tháng 10 năm 2014 với tên Give Me a Ticket to Childhood.
Chúc một ngày tốt lành (103.027 bản)
Chúc một ngày tốt lành là tác phẩm của nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh, kể về cuộc sống hằng ngày của con người cũng như các con vật ở một làng quê. Truyện được chính thức phát hành vào ngày 6 tháng 3 năm 2014 bởi nhà xuất bản Trẻ. Câu chuyện mở ra ở một làng quê, khi các con vật ở nhà bà Đỏ và thằng Cu – gồm hai con heo Lọ Nồi và Đuôi Xoăn, con cún Mõm Ngắn và đàn gà chíp – cảm thấy chán nản với cuộc sống hàng ngày và bắt đầu bày ra những trò quậy phá như kêu tiếng của loài khác hay trò chuyện với người bằng thứ tiếng “hỗn hợp”. Mọi thứ rắc rối lẫn bất ngờ đều diễn ra từ đó như khi mọi người đổ xô đến xem chúng, heo giúp người bắt trộm bằng thứ tiếng kì quái, hay cả thằng Cu lẫn Lọ Nồi đều đem lòng thương nhớ hàng xóm,…
Tại 1 buổi phỏng vấn, chia sẻ về ý tưởng cho thứ ngôn ngữ lạ lùng mà đáng yêu của các con vật trong tập truyện, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phát biểu:”…đây chỉ là sự pha trộn từ tiếng kêu của 3 loài vật này (chó, heo và gà), xuất phát từ những tiếng kêu ủn ủn ỉn ỉn, gâu gâu, chiếp chiếp. Đây vốn là những điều rất quen thuộc với tôi thời bé. Khu vườn trong cuốn sách tôi mô tả cũng là từ phiên bản khu vườn của mẹ tôi ở Bảo Lộc năm 1978”.
Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (118.020 bản)
Cuốn sách không dày nhưng câu chuyện thì hấp dẫn duyên dáng cộng thêm những bài thơ tình lãng mạn nao lòng song khi đọc to lên thì sẽ khiến chúng ta cười khúc khích. Chuyện có những nhân vật chính là chú mèo Gấu si tình, chú chuột nhắt Tí hon bị tật ở chân bạn thân của Gấu, nàng Áo hoa- cô nàng mà Gấu ta đơn phương và Út hoa, nàng chuột của Tí hon. Chuyện đã để lại trong lòng các độc giả nhiều ấn tượng sâu sắc. Đó là một câu chuyện thú vị đáng yêu về tình bạn, tình yêu giữa mèo với mèo, chuột với chuột và mèo với chuột. Những câu văn dễ thương như lời thủ thỉ chuyện trò của tuổi thơ, những câu thơ nhỏ nhắn giản dị nhưng gợi tạo được sự ấn tượng sâu sắc cho mình. Tình bạn thân thiết kì lạ của Mèo Gấu và chuột Tí Hon đã dạy chi chúng ta biết sống vị tha hơn, biết hi sinh vì người khác, biết thấu hiểu và cảm thông. Kết thúc câu chuyện dù hơi buồn nhưng vẫn để lại nhiều cảm xúc, vừa hài hước hóm hỉnh, vừa sâu lắng, cảm thương, đặc biệt là để lại nhiều bài học sâu sắc.
Chuyện kể về tình bạn giữa mèo Gấu – một chú mèo không thích bắt chuột, chỉ thích làm thơ và chuột Tí Hon – một chú chuột nhắt thích vẽ. Mèo Gấu cung cấp thức ăn cho bọn chuột để chúng không đục phá đồ đạc, bọn chuột thì học tiếng hót của chim để người trong nhà nghĩ không còn chuột và sẽ không đuổi mèo Gấu đi nữa. Nhờ những bài thơ học từ mèo Gấu, Tí Hon lấy được lòng cô chuột lang Út Hoa mà mình thích. Và cũng nhờ những bức vẽ dán khắp nơi của Tí Hon, cô mèo tam thể Áo Hoa mà mèo Gấu hằng thương nhớ cũng tìm đến được, nhưng đáng tiếc bên cô lại là một con mèo khác.
Be the first to post a comment.