Top Nổi Bật
- 1 Bài thơ: Hồi 04 – Kiều cậy em thay lời
- 2 Bài thơ: Tây Hồ cảm tác
- 3 Bài thơ: Đề Dương quý phi từ
- 4 Bài thơ: Thuý Kiều oan trái
- 5 Bài thơ: Hồi 03 – Kiều thề nguyền với Kim Trọng
- 6 Bài thơ: Hồi 01 – Kiều chơi tết thanh minh
- 7 Bài 1: Hương Sơn phong cảnh ca
- 8 Bài thơ: Cổ Loa hữu cảm
- 9 Bài thơ: Hồi 17 – Kiều gặp Từ Hải
- 10 Bài thơ: Tổng vịnh Truyện Kiều
Bài thơ: Hồi 04 – Kiều cậy em thay lời
Hồi 04 – Kiều cậy em thay lời
Sự đâu sóng gió nổi cơn đen,
Chín chữ cù lao phải báo đền.
Ân nặng quản chi liều phận thiếp,
Tình thân âu sẽ chắp duyên em.
Nước non nghìn dặm đôi hàng lệ,
Tâm sự năm canh một bóng đèn.
Ướm hỏi Liêu Dương người có biết ?
Này là trâm quạt của làm tin.
Nguồn: Truyện Kiều và các nhà nho thế kỷ 19, Phạm Đan Quế, NXB Thanh Niên, in lần thứ ba, 2003
Bài thơ: Tây Hồ cảm tác
Tây Hồ cảm tác
Hoang lâu cổ sái tịch dương tà,
Tiêu sắt hàn phong lạc diệp đa.
Tịch mịch yên ba thu sắc lão,
Cánh vô nhân xướng thái vi ca.
Dịch nghĩa
Lầu hoang chùa cổ bóng chiều tà,
Gió lạnh hiu hắt lá cây rụng nhiều.
Cảnh tịch mịch chốn yên hà sắc thu đã muộn,
Lại không có người hát khúc ca hái rau vi.
Bài thơ này được chép trong “Trúc Vân Chu thị thi tập”, nằm trong tập “Hiếu cổ đường thi tập” 孝古堂詩集 (VHv.106).
Nguồn: Chùa Trấn Quốc, khảo cứu và tư liệu Hán Nôm, NXB Văn học, 2009
Bài thơ: Đề Dương quý phi từ
Đề Dương quý phi từ
Cố quốc sơn hà, diểu tịch yên,
Khuy khuy từ miếu, trĩ Nam thiên.
Cừu Nguyên di hận, ba đào tráng,
Tồn Tống cô trinh, nhật nguyệt huyền.
Vạn diểu phong dao, hoàn bội hưởng,
Nhất hồ thu tẩy, kính quang viên.
Từ vân phổ tác thiên gia ấm,
Càn Hải linh thanh, hợp tịnh truyền.
Dịch nghĩa
Sông núi quê hương mờ trong khói chiều,
Ngôi miếu thờ bà sừng sững đứng giữa cõi trời Nam.
Nỗi hận bọn giặc Nguyên xưa vương trên ngọn sóng lớn,
Tấm lòng trung thành với triều Tống còn mãi với mặt trời mặt trăng.
Muôn cành cây gió lay động, âm vang như tiếng vòng ngọc va chạm,
Một hồ nước thu tẩy rửa, ánh sáng chiếu dọi như chiếc gương tròn.
Mây lành bay khắp nơi, che chở cho hàng nghìn gia đình,
Đền này cùng với đền Cờn sẽ linh thiêng và truyền lại lâu dài.
Bài thơ: Thuý Kiều oan trái
Thuý Kiều oan trái
Bát ngát nhẽ gió thanh, trăng bạc,
Trạnh niềm xưa lại nhớ nàng Kiều.
Phận hồng nhan cay đắng trăm chiều
Cơn dâu bể phải theo thời sự.
Mình nàng tính không đường lưỡng lự
Suốt năm canh nương bóng đèn tàn
Trách ông tơ sao khéo đa đoan
Duyên chị để mượn em chắp chỉ
Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ
Tân thanh đáo để vị thuỳ thương
Mười lăm năm trong sổ đoạn trường
Son phấn biết mấy lần trôi giạt.
Chữ tình để dành chung kiếp khác,
Đạo sinh thành trước phải đền ơn.
Gác lời thệ hải minh sơn.
Nguồn: Truyện Kiều và các nhà nho thế kỷ 19, Phạm Đan Quế, NXB Thanh Niên, in lần thứ ba, 2003
Bài thơ: Hồi 03 – Kiều thề nguyền với Kim Trọng
Hồi 03 – Kiều thề nguyền với Kim Trọng
Dan díu vì ai luống ngẩn ngơ,
Để ai gió đón lại trăng chờ.
Đào tơ đã ngỏ đường ong bướm,
Liễu yếu còn e trận gió mưa.
Lựa mối tơ tình năm ngón dạo,
Lập lờ lửa dục một lời thưa.
Giá trong muốn vẹn niềm băng tuyết,
Nào phải trăng hoa khéo ỡm ờ.
Nguồn: Truyện Kiều và các nhà nho thế kỷ 19, Phạm Đan Quế, NXB Thanh Niên, in lần thứ ba, 2003
Bài thơ: Hồi 01 – Kiều chơi tết thanh minh
Hồi 01 – Kiều chơi tết thanh minh
Mùa xuân ai khéo vẽ nên tranh,
Nô nức đua nhau hội đạp thanh.
Phận bạc ngậm ngùi người chín suối,
Duyên nay dun dủi khách ba sinh.
Dãy hoa nép mặt gương lồng bóng,
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình.
Man mác vì đâu thêm ngán nỗi!
Đường về chiêng đã gác chênh chênh.
Nguồn: Truyện Kiều và các nhà nho thế kỷ 19, Phạm Đan Quế, NXB Thanh Niên, in lần thứ ba, 2003
Bài 1: Hương Sơn phong cảnh ca
Hương Sơn phong cảnh ca
Mưỡu:
Đàn thông phách suối vang lừng,
Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe kinh.
Hát nói:
Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
Nhác trông lên, ai khéo vẽ hình:
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Chập chờn mấy lối uốn thang mây.
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hoá khéo ra tay xếp đặt?
Lần tràng hạt niệm “Nam vô Phật”,
Cửa từ bi công đức biết là bao.
Càng trông phong cảnh càng yêu!
Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được chuyển thành đọc thêm trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.
Nguồn:
1. Tuyển tập thơ ca trù, NXB Văn học, 1987
2. Xứ Đoài thơ, Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống biên soạn, NXB Hội nhà văn, 2012
Bài thơ: Cổ Loa hữu cảm
Cổ Loa hữu cảm
Lang quân tình trọng, phụ ân thâm,
Bất bạch kỳ oan trực đáo câm.
Cơ trảo vô linh quy diệc khứ,
Minh châu hữu lệ bạng do trầm.
Hoàng bi cổ thụ thiên niên quốc,
Bích hải dao thiên nhất phiến tâm.
Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu,
Ðỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm…
Dịch nghĩa
Tình nghĩa của chồng thì nặng, ơn cha thì sâu,
Chẳng rõ mình mang nỗi kỳ oan cho đến bây giờ.
Máy móc bằng móng không còn thiêng, rùa cũng đi mất,
Hạt minh châu rơi lệ, con chai vẫn còn ở dưới đáy sâu.
Bia vàng cổ thụ ghi chép sử nước non ngàn năm,
Biển xanh trời rộng bao la, chỉ có một tấc lòng son này.
Bên ngoài miếu đường cung triều cũ vắng vẻ lặng lẽ,
Tiếng chim cuốc kêu lúc nối lúc đứt, ánh trăng mờ ảo.
Bài thơ: Hồi 17 – Kiều gặp Từ Hải
Hồi 17 – Kiều gặp Từ Hải
Những nghĩ nương mình chốn cửa không,
Gỡ ra sao khéo buộc vào vòng.
Nước non lại gặp thần mày trắng,
Quả kiếp còn đeo nợ má hồng.
Bể khổ nào ai tay tế độ,
Cõi trần mấy kẻ mặt anh hùng.
Lạ cho lời nói nên tri kỷ,
Hương bén mùi duyên lửa lại nồng.
Nguồn: Truyện Kiều và các nhà nho thế kỷ 19, Phạm Đan Quế, NXB Thanh Niên, in lần thứ ba, 2003
Bài thơ: Tổng vịnh Truyện Kiều
Tổng vịnh Truyện Kiều
Cuốn ngỏ rèm xuân trải mấy sương,
Sắc tài chi lắm để làm gương.
Công cha bao quản liều thân thiếp,
Sự nước xui nên phụ nghĩa chàng.
Cung oán nỉ non đàn “Bạc mệnh”,
Duyên nay run rủi lưới Tiền Đường.
Hai bên vẹn cả tình cùng hiếu,
Đem bắc đồng cân đáng mấy vàng.
Nguồn:
1. Truyện Kiều và các nhà nho thế kỷ 19, Phạm Đan Quế, NXB Thanh Niên, in lần thứ ba, 2003
2. Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951
Be the first to post a comment.